Việc phát triển dịch vụ nộp thuế điện tử đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu không chỉ riêng tại Việt Nam mà đối với toàn thể các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam ngành Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử, để phát huy vai trò của dịch vụ thuế điện tử trong công tác quản lý thuế.
Theo thống kê, đến cuối năm 2018, hệ thống nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Hiện nay, cả nước có 99,93% DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm là trên 11,8 triệu hồ sơ.
Việc triển khai nộp thuế điện tử của cơ quan thuế được thông qua kênh chính là kênh ngân hàng thương mại. Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai chính sách kết nối với các ngân hàng thương mại bắt đầu từ năm 2013 và đến năm 2018 đã phát triển kết nối với 50 ngân hàng thương mại.
Đến nay, 63/63 cục thuế đã triển khai dịch vụ nộp TĐT và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp TĐT với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,19% trong năm 2018. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 96,42% trên tổng số DN đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN trong năm 2018 là gần 657.000 tỷ đồng (hơn 3,1 triệu giao dịch nộp TĐT).
Dịch vụ nộp thuế điện tử chính là minh chứng cho nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam trong lĩnh vực Thuế. Nộp thuế điện tử giúp cắt giảm số giờ nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống thông tin để đẩy mạnh việc áp dụng kê khai, nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, các Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người nộp thuế ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán và thuế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Song song với đó, cơ quan thuế cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ quá trình phát triển dịch vụ thuế điện tử để có thể phát hiện những thiếu sót của các quy trình điện tử trong hoạt động của nội bộ cơ quan thuế hoặc những sai phạm trong các giao dịch điện tử. Từ những cuộc thanh tra kiểm tra này có thể dự đoán được các rủi ro sẽ xảy ra, từ đó tìm các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng sẽ xây dựng kế hoạch hằng năm để khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế về sử dụng dịch vụ thuế điện tử, qua đó nắm bắt những phản hồi cần thiết cho cải thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ, xây dựng thái độ tích cực của người nộp thuế.
https://daotaoseomanager.com/